Bạn có biết: Đồng tử là một trong những bộ phận quan trọng nhất trong cấu tạo của mắt người và được mệnh danh là ống kính giúp đôi mắt thu lại mọi hình ảnh hàng ngày. Vậy đồng tử là gì và cách hoạt động của chúng ra sao?
MỤC LỤC › 8 tình trạng rối loạn gây ảnh hưởng đến đồng tử mắt |
Đồng tử là gì?
Đồng tử, hay còn gọi là “con ngươi”, là thuật ngữ chỉ phần tròn đen ở giữa mống mắt, có nhiệm vụ điều chỉnh lượng ánh sáng đi vào để tạo ra hình ảnh rõ nét trên võng mạc. Đồng tử được bảo vệ bởi giác mạc – lớp màng trong suốt hình vòm bao phủ phía trước mắt, giúp ngăn chặn bụi bẩn và nhiều tác nhân có hại.
1. Kích thước của đồng tử
Kích thước của đồng tử mắt có sự khác biệt giữa các đối tượng và theo độ tuổi. Thông thường, trẻ em có con ngươi lớn hơn, trong khi của người cao tuổi thường nhỏ hơn do quá trình lão hóa tự nhiên.
Kích thước con ngươi còn có thể thay đổi linh hoạt dựa trên ánh sáng môi trường xung quanh. Ở điều kiện ánh sáng mạnh, con ngươi sẽ co lại còn 2 – 4 mm. Còn khi ánh sáng yếu, con ngươi giãn ra và dao động từ 4 – 8 mm. Ngoài ánh sáng, con ngươi còn co lại khi đang tập trung vào vật thể ở gần, gọi là phản xạ điều tiết đồng tử.
2. Màu sắc của đồng tử
Đồng tử mắt không có màu sắc riêng mà chỉ phản ánh bóng của lòng mắt. Thông thường, con ngươi trông có màu đen do ánh sáng đi qua được võng mạc hấp thụ và không phản xạ lại. Trong một số trường hợp, ánh sáng chiếu từ một góc đặc biệt có thể khiến đồng tử hiện màu đỏ do phản chiếu từ các mạch máu trong võng mạc.
Con ngươi có màu đục hoặc nhạt có thể là dấu hiệu của đục thuỷ tinh thể và cần được điều trị sớm để bảo vệ thị lực.
3. Chức năng của đồng tử
Con ngươi có chức năng chính là phối hợp với cơ mống mắt để điều tiết ánh sáng đi vào mắt, giúp bảo vệ võng mạc khỏi ánh sáng mạnh và cải thiện khả năng nhìn trong nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau. Cụ thể:
- Trong điều kiện ánh sáng yếu: Cơ giãn mống mắt giúp mở rộng đồng tử để tăng lượng ánh sáng đến võng mạc và giúp mắt nhìn rõ hơn.
- Trong điều kiện ánh sáng mạnh: Cơ co mống mắt làm đồng tử thu nhỏ lại để hạn chế lượng ánh sáng vào mắt, giúp chống chói và bảo vệ võng mạc cũng như thủy tinh thể khỏi những tổn thương.
Con ngươi còn tạo đường dẫn cho thủy dịch, một chất lỏng giúp nuôi dưỡng và duy trì áp lực nội nhãn ổn định. Sự lưu thông này giữ cho mắt hoạt động khỏe mạnh và ngăn ngừa chứng tăng nhãn áp.
8 tình trạng rối loạn gây ảnh hưởng đến đồng tử mắt
Con ngươi không chỉ đóng vai trò quan trọng trong cơ chế nhìn mà còn là dấu hiệu cho thấy những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
1. Các rối loạn thay đổi kích thước và chức năng
- Đồng tử không đều (Anisocoria): Tình trạng hai con ngươi có kích thước khác nhau, có thể là biểu hiện của tổn thương thần kinh hoặc đột quỵ.
- Giãn đồng tử (Mydriasis): Tình trạng con ngươi giãn ra bất thường và không thể co lại, khiến mắt dễ bị tổn thương. Điều này có thể do tác động của thuốc hoặc các bệnh lý thần kinh và não như tổn thương dây thần kinh động mạch mắt,…
- Co đồng tử (Miosis): Tình trạng con ngươi co lại quá mức, gây khó khăn trong việc nhìn rõ. Điều này thường xảy ra khi bị tổn thương hệ thần kinh hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc.
- Đồng tử không phản ứng với ánh sáng (Marcus Gunn): Tình trạng con ngươi không phản ứng bình thường khi chiếu ánh sáng vào mắt. Đây là dấu hiệu của sự tổn thương thần kinh, đặc biệt là thần kinh thị giác hoặc các bệnh lý trong não
- Mắt có nhiều đồng tử (Polycoria): Tình trạng mắt có nhiều con ngươi cùng hoạt động theo những cách khác nhau, gây khó khăn trong việc tập trung ánh sáng vào võng mạc. Đây là một tình trạng hiếm gặp và có thể liên quan đến các rối loạn bẩm sinh.
2. Các bệnh lý ảnh hưởng
- Hội chứng Horner: Một tình trạng hiếm gặp, gây ảnh hưởng đến một bên mắt và mặt. Triệu chứng phổ biến bao gồm co một bên con ngươi, sụp mí mắt và giảm tiết mồ hôi trên một nửa mặt.
- Liệt thần kinh sọ thứ ba: Liệt dây thần kinh này ảnh hưởng đến các chức năng vận động của mắt, khiến con ngươi giãn rộng và mắt bị lồi ra.
- Chấn thương não: Khi hộp sọ bị va đập mạnh do tai nạn, ngã,… con ngươi có thể ngừng phản ứng với ánh sáng và là dấu hiệu cảnh báo cần can thiệp y tế khẩn cấp.
Lời kết
Trên đây là tất tần tật thông tin chi tiết về đồng tử. Việc nhận biết sớm các triệu chứng bất thường và khám chữa kịp thời rất quan trọng để ngăn ngừa nhiều biến chứng nghiêm trọng và bảo vệ sức khoẻ mắt lâu dài.
Xem thêm nhiều thuật ngữ thú vị về mắt và thị giác:
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Chiều cao khúc xạ: Tầm quan trọng và cách đo chính xác
Cắt kính viễn thị bao nhiêu tiền? Bảng giá, tư vấn chi tiết
Kính viễn và kính lão khác nhau như thế nào? Cách phân biệt
Giác mạc là gì? Cấu tạo, chức năng và bệnh lý nghiêm trọng
Đồng tử là gì? Kích thước, chức năng, các vấn đề rối loạn
Kính 2 tròng và đa tròng là gì? Phân biệt, so sánh giá
Thời gian chuyển màu: Tròng kính đổi màu nhanh đến đâu?
Kỳ 5: Series “Những đôi mắt bị bỏ quên” – Thiện nguyện Kính Hải Triều
THẢO LUẬN