Giác mạc là gì? Cấu tạo, chức năng và bệnh lý nghiêm trọng

Giác mạc là gì? Cấu tạo, chức năng và bệnh lý nghiêm trọng

Bạn có biết: Giác mạc được mệnh danh là “cửa sổ” trong suốt của mắt, vừa giúp bảo vệ vừa đảm bảo mang lại thị lực rõ nét. Vậy giác mạc là gì và chúng quan trọng như thế nào?

MỤC LỤC

› Giác mạc mắt là gì?

1. Giác mạc có mấy lớp?

2. Chức năng của giác mạc mắt

› Từ bác sĩ: 5 bệnh lý đe dọa nghiêm trọng

1. Viêm giác mạc

2. Xước giác mạc

3. Rách giác mạc

4. Bỏng giác mạc

5. Loạn dưỡng giác mạc

› Lời kết

Giác mạc mắt là gì?

Giác mạc (lòng đen) là thuật ngữ chỉ lớp màng trong suốt hình chỏm cầu, chiếm khoảng 1/5 diện tích của lớp vỏ nhãn cầu. Giác mạc mắt nằm phía ngoài cùng trong cấu trúc của mắt, tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài và bao bọc lấy đồng tử (con người). Lòng đen đóng vai trò như cửa sổ đầu tiên để ánh sáng đi vào mắt, giúp tạo hình ảnh rõ ràng trên vùng võng mạc.

1. Giác mạc có mấy lớp?

Theo các chuyên gia nhãn khoa, lòng đen mắt được chia thành 5 lớp chính:

  • Biểu mô (Epithelium): Lớp ngoài cùng của lòng đen, có chức năng bảo vệ, ngăn chặn vi khuẩn, bụi bẩn và duy trì độ ẩm cần thiết. Dù chỉ mỏng khoảng 50 micromet nhưng lớp biểu mô có khả năng phục hồi và tái tạo lại nhanh chóng trong vài ngày khi bị tổn thương.
  • Màng Bowman: Lớp dưới biểu mô, giúp duy trì độ bền, bảo vệ cấu trúc lòng đen và có khả năng kháng khuẩn tốt. Tuy nhiên, lớp này không có khả năng tái tạo nếu bị tổn thương, dẫn đến việc hình thành sẹo vĩnh viễn.
  • Nhu mô (Stroma): Lớp chính và chiếm khoảng 90% độ dày của lòng đen. Nhu mô đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì độ trong suốt và tính đàn hồi của lòng đen, giúp lòng đen ổn định về cấu trúc. Ngoài ra, nhu mô còn cho phép ánh sáng đi qua một cách chính xác mà không bị tán xạ, từ đó tạo ra hình ảnh sắc nét và rõ ràng.
  • Màng đáy Descemet: Lớp mỏng đóng vai trò như lá chắn bảo vệ, giúp ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn và các yếu tố gây hại vào sâu trong giác mạc mắt.
  • Nội mô (Endothelium): Lớp trong cùng của lòng đen, đóng vai trò điều tiết nước, duy trì độ ẩm và ngăn ngừa lòng đen bị phù nề, đồng thời giúp vận chuyển các chất dinh dưỡng từ lớp mạch máu bên dưới lên lòng đen. Đây là lớp tế bào một lớp mỏng nhất và không có khả năng tái tạo khi bị tổn thương hoặc chết.
Lòng đen mắt được chia thành 5 lớp chính
Giải đáp giác mạc mắt là gì và giác mạc có mấy lớp

2. Chức năng của giác mạc mắt

Lòng đen có cấu tạo khá mỏng nhưng lại bền bỉ và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thị giác của mắt:

  • Lòng đen phối hợp với mí mắt, nước mắt, củng mạc,… để bảo vệ các bộ phận bên trong khỏi tác động của vi khuẩn, vi rút, bụi bẩn và các yếu tố có hại khác từ môi trường.
  • Với cấu tạo trong suốt và độ cong đặc biệt, lòng đen hoạt động như một thấu kính, đóng góp 65 – 75% vai trò khúc xạ (uốn cong) và tập trung ánh sáng đi vào mắt chính xác lên võng mạc. Sau đó, võng mạc sẽ chuyển đổi ánh sáng thành các xung thần kinh truyền thẳng đến não để giúp chúng ta nhận biết hình ảnh.
  • Lòng đen còn có khả năng lọc bức xạ UV có hại từ ánh sáng mặt trời. Nếu không có lòng đen, tia UV sẽ đi xuyên qua và gây hại cho các bộ phận bên trong mắt như thủy tinh thể hay võng mạc, dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng.

Từ bác sĩ: 5 bệnh lý đe dọa nghiêm trọng

Lòng đen mắt khá mỏng nên rất dễ bị tổn thương khi gặp tác động từ bên ngoài như tai nạn, va chạm, nhiễm trùng,…, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực và sức khoẻ mắt. Sau đây là một số vấn đề liên quan đến lòng đen mà bạn nên chú ý và điều trị sớm.

1. Viêm giác mạc

Tình trạng này gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm đau âm ỉ hoặc dữ dội, đỏ mắt, cảm giác cộm hay có vật lạ trong mắt, chảy nhiều nước mắt, nhiều ghèn,… Trong một số trường hợp nặng, viêm lòng đen có thể gây ra loét hoặc sẹo lòng đen, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh lý này có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn và thậm chí gây mù lòa.

Viêm giác mạc có thể gây ra loét hoặc sẹo
Lòng đen bị viêm sẽ gây đỏ, cộm mắt

2. Xước giác mạc

Tình trạng này thường gây đau rát, chảy nước mắt, đỏ mắt và nhạy cảm với ánh sáng. Ngoài ra, người bệnh còn bị giảm thị lực đáng kể, nhất là khi tiếp xúc với ánh sáng mạnh. Nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách có thể dẫn đến nhiễm trùng, gây viêm hoặc loét lòng đen và ảnh hưởng lâu dài đến thị lực.

Nguyên nhân có thể do va chạm, bị cát, bụi bay vào mắt, hoặc do mắt tiếp xúc với các vật sắc nhọn. Đôi khi, đeo kính áp tròng quá nhiều hoặc không đúng cách cũng có thể gây ra tình trạng này.

3. Rách giác mạc

Tình trạng này thường gây đau dữ dội, đỏ mắt, khó mở mắt, đồng thời chảy rất nhiều nước mắt và thị lực bị giảm nhanh chóng. Trong một số trường hợp nặng, có thể nhìn thấy máu hoặc dịch tiết ra từ mắt. Đây là tình trạng chấn thương nghiêm trọng và cần tiến hành điều trị ngay lập tức.

Tình trạng này chủ yếu do bị vật sắc nhọn như mảnh vỡ đâm vào, tai nạn giao thông hoặc chấn động mạnh. Điều trị rách lòng đen yêu cầu sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa mắt. 

4. Bỏng giác mạc

Đây là tình trạng cấp cứu nhãn khoa vô cùng nguy hiểm với nhiều triệu chứng như cảm giác nóng rát ở mắt, đau dữ dội, chảy nước mắt, co thắt mí, nhạy cảm với ánh sáng,… Những triệu chứng này có thể không xuất hiện ngay lập tức mà kéo dài từ 30 phút đến 12 giờ kể từ khi bị bỏng.

Nguyên nhân gây bỏng có thể do tiếp xúc với các hóa chất mạnh (axit, kiềm), nhiệt độ quá cao (từ nước sôi, xăng, điện,…) hoặc quá thấp (nito lỏng, tuyết carbonic,…), tia laser, cực tím,… Nếu không được cấp cứu kịp thời, tình trạng này có thể gây mù lòa vĩnh viễn. Một số trường hợp sau khi điều trị vẫn để lại các biên chứng như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, thủng lòng đen, viêm màng bồ đào,…

5. Loạn dưỡng giác mạc

Bệnh lý này xảy ra khi lòng đen tích tụ bất thường các chất như mỡ hoặc protein, làm suy giảm cấu trúc và chức năng. Triệu chứng phổ biến bao gồm mờ mắt, cộm mắt, nhạy cảm với ánh sáng, sưng,… Tình trạng này thường ảnh hưởng đến cả hai mắt và tiến triển chậm theo thời gian.

Loạn dưỡng lòng đen chủ yếu do di truyền, không liên quan đến chấn thương, nhiễm trùng hoặc các yếu tố môi trường bên ngoài.

Loạn dưỡng giác mạc thường ảnh hưởng đến cả hai mắt
Loạn dưỡng xảy ra khiến lòng đen bị đục

Lời kết

Trên đây là thông tin chi tiết về giác mạc là gì và các bệnh lý nghiêm trọng liên quan. Hãy thường xuyên chú ý đến những triệu chứng để điều trị kịp thời và bảo vệ mắt lâu dài nhé.

Xem thêm kiến thức thị giác hữu ích:

Chưa có thảo luận nào.

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *